Đặc điểm và cách nhận biết các loại vải len.
Trong mùa đông, chúng ta dùng rất nhiều những sản phẩm làm từ len như: găng tay, khăn, mũ, áo len…đến các vật dụng hàng ngày như ghế sofa…Nhưng không phải ai cũng biết đặc điểm và cách nhận biết các loại vải len hoặc vật dụng làm từ len.
Khái niệm sợi len (wool).
Nguồn gốc len. Len là loại xơ gốc động vật đầu tiên sử dụng làm quần áo (len có mặt khoảng 4000 năm trước công nguyên tại vùng Địa Trung Hải). Len có nguồn gốc từ: + Cừu (96-97%). + Dê (2%). + Lạc đà (1%). + Thỏ…
Len (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp: laine) là một loại sợi dệt thu được từ lông cừu và một số loài động vật khác, như dê, lạc đà… Len cung cấp nguyên liệu để dệt, đan, chế tạo các loại vải pha len may áo dạ, quần áo vest. Áo len là mặt hàng áo giữ ấm thông dụng trên thế giới, nhất là những nước có khí hậu lạnh. Len có một số phụ phẩm có nguồn gốc từ tóc hoặc da lông.

Hình ảnh xơ len(lông)của cừu khi mới thu hoạch. Hỗn hợp thu được bao gồm lông, da, các tạp chất bám bẩm vào lông…Người ta phải loại bỏ tạp chất, tẩy trắng…sau đó xe thành sợi để dệt vải.
Đặc điểm và tính chất cơ bản của sợi len:
Cấu tạo xơ len gồm 3 phần: lớp vảy, Lớp vỏ, Lớp lõi.
– Lớp vảy: nằm ngoài cùng, nằm xuôi chiều như vảy cá. Lớp vảy là đặc thù riêng của len, nhờ có lớp vảy mà người ta thực hiện được quá trình cán mịn.
– Lớp vỏ: là phần chính của xơ len, nằm tiếp theo lớp vảy. Lớp vỏ được cấu tạo từ nhiều tế bào hình ống, nằm dọc theo trục xơ, tạo thành thớ xơ, tạo cho len tính chất xốp.
– Lớp lõi: Lớp lõi cấu tạo từ những tế bào hình dạng khác nhau nằm xen kẽ với những khoang trống chứa không khí tạo tính mao dẫn.
Thành phần hoá học xơ len.
– Keratin chiếm 90-93%, nonkeratin (mỡ, sáp, nhân tế bào…) chiếm 7-10%. Với thành phần 70% là các axít amin phân tử lớn đặc biệt có axít systine nên mạch có nhiều liên kết ngang hình thành nên cấu trúc mắt lưới nên xơ len có khả năng chống biến dạng rất tốt (giữ nếp, ít nhàu).
Tính chất cơ lý.
Khối lượng riêng 1.30g/cm3.
+ Biến dạng thuận nghịch: sau khi kéo giãn xơ phục hồi lại ngay vị trí ban đầu.
+ Biến dạng tạm thời: khi kéo giãn với sự có mặt của nước sôi hoặc hơi nước trong thời gian ngắn xơ bị biến dạng, khi xử lý bằng nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng lúc ban đầu xơ trở lại vị trí ban đầu.
+ Hiện tượng quá co: kéo giãn xơ len trong điều kiện hơi nước bão hoà trong thời gian rất ngắn 1- 2’, sau đó tiếp tục xử lý lần 2 bằng hơi nước bão hoà nhưng không kéo giãn. Vật liệu sẽ co lại nhiều hơn so với trạng thái ban đầu
Len có tính chất hồi ẩm tuyệt vời. Loại xơ này rất hút ẩm, một phần do nó gồm rất nhiều nhóm hóa học hút nước và nhả ẩm tương đối chậm. Tuy nhiên, do cấu trúc vẩy trên bề mặt mà chất lỏng chảy ra khỏi vải len, làm cho vải có tính chất kháng ẩm tự nhiên.
Len có khả năng đàn hồi, giữ không khí và giữ nhiệt tốt.
Len bị đốt cháy ở nhiệt độ cao hơn bông và một số sợi tổng hợp. Nó có tỷ lệ thấp trong việc lây lan lửa và cũng có khả năng cách điện và tự dập lửa.
Người ta sản xuất len bằng dụng cụ quay các sợi lông cừu lại với nhau hay bện lại thành một liên kết sợi. Chất lượng của len được xác định bởi đường kính sợi, quá trình uốn, năng suất, màu sắc, và độ bền trong đó đường kính sợi là chất lượng quan trọng nhất để xác định đặc tính và giá cả. Vải len có một số lượng lớn sản phẩm hàng dệt may. Số lượng của uốn tương ứng với độ mịn của sợi len. Ở một số nước, len thường được quy định dành cho hàng may mặc cho các nhân viên cứu hỏa, binh sĩ, và những người khác trong các ngành nghề mà họ được tiếp xúc với khả năng cháy, nổ.
Trong thực tế thì có nhiều loại len và chất lượng của chúng khác nhau. Nhưng phổ biến nhất vẫn là các loại sau đây:
Len lông cừu thường:
Loại len này được lấy từ những đàn cừu đã thay lông được một lần. So với len thường thì len lông cừu mềm mại và đàn hồi tốt hơn. Vậy nên, chúng sẽ ấm và bền hơn.
Len Cashmere:
Loại len này được lấy từ lớp lông tơ của dê Kashmir (hay còn được gọi là Cashmere) trong đợt thay lông mùa xuân. Để tách được lớp lông này thì người ta phải hoàn toàn làm thủ công bằng tay. Một sợ xơ Cashmere có khả năng cách nhiệt gấp 8 lần so với len thường, giúp nó giữ ấm vào mùa đông. Đây còn là một loại len siêu nhẹ. Len Cashmere có giá thành đắt nhất trong các loại len.

Loại len này được lấy từ lớp lông tơ của dê Kashmir (hay còn được gọi là Cashmere) trong đợt thay lông mùa xuân.
Len Angora:
Loại len này có nguồn gốc từ thỏ Angora. Sợi len loại này mềm, mịn, mỏng và rất bông. Tuy nhiên, nó không đủ độ bền cần thiết nên khi được sử dụng trong sản xuất thì người ta thương pha thêm các thành phần len, sợi khác.
Len lông cừu Merino:
Có nguồn gốc từ giống cừu đặc biệt nhât, len Merino mềm nhất trong các loại lông cừu. Các sản phẩm may mặc có nguồn gốc từ len lông cừu Merino được người dùng đặc biệt ưa chuộng vì nó có khả năng giữ nhiệt tuyệt vời, bền đẹp và không gây khó chịu do da.
Len Alpaca:
Đây là một loài động vật thuộc họ lạc đà Nam Mỹ. Lông Alpaca rất giống với len và cũng được sử dụng trong ngành dệt, may. Loại lông này mềm như Cashmere và nhẹ hơn lông cừu thông thường. Lông Alpaca giữ nhiệt tốt, mềm và bền.

Đây là một loài động vật thuộc họ lạc đà Nam Mỹ. Lông Alpaca rất giống với len và cũng được sử dụng trong ngành dệt, may
Các loại vải len phổ biến và cách nhận biết chúng.
Dùng để may quần áo ấm, khăn quàng, mũ nón, bít tất, ủng, vòng đệm, bấc dẫn dầu… – Len được sử dụng ở dạng nguyên chất hoặc pha với bông hay xơ hóa học để kéo sợi tạo ra các loại chế phẩm dệt thoi và dệt kim.
Các loại vải len phổ biến làm từ sợi len.
Chế biến và sản xuất len cừu (production): – Len mịn – Len nửa mịn – Len nửa thô – Len thô.
Sản xuất len gồm 4 công đoạn chính: ⇒Xén lông (shear)⇒Phân loại (sort and grade)⇒ Kéo sợi (make yarn) ⇒Dệt vải (make fabric) .
Như ta đã nói ở trên, với mỗi loại động vật khác nhau cho các loại lông với đặc tính khác nhau. Ngoài ra, chất lượng xơ len phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như tuổi, thời tiết, con vật còn sống hay chết, lượng tạp chất trong lông…Lần thu hoạch đầu cho chất lượng len tốt nhất và giảm dần theo độ tuổi. Mùa hay thời tiết quyết định đến sức khỏe, tình trạng lông…
Từ chất lượng xơ sẽ phân loại để dệt các loại vải phù hợp với giá thành và mục đích sử dụng. Len chất lượng thấp được dùng làm thảm, phụ gia xây dựng cho các chi tiết đòi hỏi cách nhiệt. Len chất lượng trung bình được dệt làm thảm, rèm, vải bọc sofa… chăn len, găng tay len…hoặc vải chống cháy.
Len chất lượng cao cấp được sử dụng làm áo len, khăn len và đặc biệt là pha vào sợi dệt vải may các sản phẩm quần áo cao cấp.
Cách nhận biết vải len.
Thời gian cho thu hoạc lông của các vật nuôi tương đối lâu. Số lượng mỗi lần thu hoạch cũng ít, chưa kế đến việc xử lý loại bỏ các tạp chất trong len tốn rất nhiều chi phí. Chính vì vậy trong quá trình sản xuất người ta thường pha thêm các vật liệu khác có giá thành rẻ hơn như xơ cotton, xơ tổng hợp…
Với các thương hiệu sản xuất vải sợi lớn thì họ ghi rất rõ thông số, thành phần sợi của vải. Các nhà sản xuất hàng may mặc cũng dựa vảo đó để đưa ra các thông số thành phần vật liệu trên sản phẩm.
Với các nhà bán lẻ thì họ thường gian lận thành phần này để điều chỉnh giá thành có lợi nên các nhà sản xuất nhỏ lẻ không hiểu dễ bị mua nhầm hoặc bị đội giá thành đầu vào.
Bằng kinh nghiệm sản xuất và am hiểu thị trường cung cấp nguyên liệu, chúng tôi xin nêu một vài kinh nghiệm phân biệt vải len để quý vị có thể nhìn nhận và đánh giá mặt hàng này một cách khách quan nhất sau đây:
+ Bằng trực quan: cầm ráp tay, mặt vải xù lông, xơ cứng dài hơn xơ bông. Khi kéo đứt, đầu chỗ đứt không gọn, trước khi đứt sợi giãn nhiều, vò nhẹ vải không nhăn.
+ Bằng hóa chất: Dùng dung dịch kiềm (NaOH) đốt nóng cùng xơ làm xơ bị phá hủy trong vài phút. Có thể dùng dung dịch CuSO4 cho màu tím hay HNO3 cho màu vàng.
+ Bằng nhiệt: cháy yếu, tắt ngay sau khi đưa ra khỏi lửa, mùi tóc cháy, tro đen, dễ bóp vỡ.
Trên thực tế, bạn có thể dễ dàng nhận biết chất lượng của các sản phẩm len/dạ thông qua 6 tiêu chí cảm tính, trực quan sau:
1- Đầu tiên, hãy kiểm tra lỗi của nhà sản xuất.
Vải len/dạ chất lượng cao có bề mặt rất đều, mịn; không bị thắt nút, bị dão, có lỗ hay khoảng cách giữa các sợi. Một trong những nhân tố tạo nên độ bền đẹp của sản phẩm len/dạ nằm ở loài vật mà sợi len được thu hoạch. Sợi len thu hoạch từ loài vật được chăm sóc đúng quy chuẩn sẽ dai hơn sợi thông thường. Nếu bạn nhìn thấy sợi bị chẻ hoặc gãy trên một sản phẩm mới nguyên điều đó có nghĩa là nó đã qua sử dụng.
2- Vải bị sờn, bung khi chúng trở nên dão và trên bề mặt bị cuộn thành những chấm vải nhỏ li ti.
Vải len/dạ thường bị như vậy nhưng len/dạ chất lượng cao sẽ được dệt chặt để hạn chế tình trạng này ngay từ khâu sản xuất. Nếu bạn muốn tránh chất liệu dễ bị sờn, bung hãy chọn len/dạ thật dày và mịn. Nếu như bề mặt vải không bị những nốt vải nhỏ ở cổ áo, cổ tay hoặc đuôi áo bên trong, đây là sản phẩm có chất lượng tốt.
3- Dạ có tính đàn hồi. Dạ phải trở về tình trạng bạn đầu sau khi bạn véo chúng chứ không bai ra.
4- Các thương hiệu sử dụng len/dạ cao cấp thường cho bạn biết chính xác xuất xứ của chất liệu.
Ví dụ, len lông cừu Angora thường được biết đến với tính chất siêu mềm, nhẹ và ấm áp.
5- Trừ khi do mục đích thiết kế, bạn không thể nhìn xuyên qua vải dạ.
Vải dạ chất lượng cao cấp được đan chặt, kín và không bị hổng giữa các sợi.
6- Nhìn chung, chất liệu vải được làm từ len sợi nguyên chất sẽ mềm hơn sợi pha tạp.
Tuy nhiên, tùy vào thiết kế của item, bạn sẽ thích chất liệu len/dạ chắc chắn và có phần thô hơn (đối với những sản phẩm áo khoác dày). Trước khi mua bất cứ sản phẩm len/dạ nào, hãy kiểm tra không chỉ bằng tay mà còn cả làn da (da dưới khửu tay) để chắc chắn rằng bạn ưng cảm giác khi chạm vào vải. Cũng nên lưu ý rằng một số loại len/dạ sẽ mềm hơn loại thông thường. Ví dụ vải len cashmere thường mềm hơn len lông cừu. Nhưng độ mềm mại không hoàn toàn nói lên chất lượng.
Trên đây chỉ là một trong những kinh nghiệm chúng tôi thu lượm được trong quá trình tìm hiểu và sản xuất vải len. Với nhu cầu sản phẩm có giá thành thấp của thị trường trong nước thì việc tìm cho mình một sản phẩm chất lượng cao là tương đối khó. Nhưng nếu không biết bạn cũng dễ mua phải những sản phẩm gắn nhãn mác len với giá cao.
Xem thêm: 1001 mẫu áo gile len nam đẹp cho thu đông 2017.